ĐÁNH GIÁ TRÌNH ĐỘ CÔNG NGHỆ TRONG CÁC NGÀNH SẢN XUẤT –
CƠ SỞ LÝ LUẬN, THỰC TẾ TRIỂN KHAI TẠI MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG
VÀ KIẾN NGHỊ
PGS.TS. Trần Văn Bình[1]
TS. Trần Hậu Ngọc[2]
1. Đặt vấn đề
Trong môi trường cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng, công nghệ phải được xem là biến số chiến lược quyết định sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia. Đã từ lâu, vai trò quan trọng của công nghệ trong phát triển đã được thừa nhận một cách rộng rãi. Tuy nhiên, việc nhìn nhận công nghệ như một yếu tố cấu thành trong các nỗ lực phát triển luôn đòi hỏi một cơ sở dữ liệu hỗ trợ cho việc ra các quyết định thực tiễn để có thể trả lời các câu hỏi mang tính sống còn như: hiện trạng năng lực công nghệ, những nhu cầu công nghệ cấp bách, những lĩnh vực công nghệ cần chuyên môn hoá của một quốc gia.
Sau 30 năm của thời kỳ đổi mới, nền kinh tế của Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Những thành tựu phát triển của chúng ta đã làm cho đất nước thay da, đổi thịt; đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện. Trong đó khoa học và công nghệ đã có những đóng góp không nhỏ trong quá trình phát triển vừa qua. Nhưng con số cụ thể là bao nhiêu? KH&CN (KH&CN) đóng góp bao nhiêu % trong tăng trưởng của GDP? Nhìn lại hệ thống cơ sở dữ liệu, kết quả những công trình nghiên cứu đã qua chúng ta chưa có cơ sở chắc chắn để đưa ra câu trả lời. Trong công tác quản lý công nghệ còn nhiều vấn đề tồn đọng cả về phía các doanh nghiệp lẫn phía các cơ quan quản lý làm chậm quá trình đổi mới và phát triển công nghệ.
Từ phía các doanh nghiệp:
- Quan niệm sai lầm cho rằng việc đổi mới công nghệ là mua sắm máy móc thiết bị tiên tiến mà không quan tâm đến các yếu tố đào tạo về con người, cải tiến bộ máy tổ chức, tổ chức và sử dụng thông tin. Dẫn đến mua về những công nghệ không phù hợp, gây lãng phí;
- Không chú trọng và có mức đầu tư thích đáng cho công tác nghiên cứu và phát triển công nghệ mới. Không có các chế độ rõ ràng và thích đáng nhằm khuyến khích người lao động tìm tòi sáng tạo, đổi mới công nghệ;
- Chỉ quan tâm đến những kết quả và lợi ích trước mắt và ít quan tâm đến những lợi thế cạnh tranh lâu dài do công nghệ mang lại.
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước:
- Xuất phát từ nhận thức chưa thật đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của đổi mới công nghệ mà việc ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư đổi mới và chuyển giao công nghệ còn chậm;
- Tạo sự bảo hộ quá mức đối với nền sản xuất trong nước, ngăn chặn sự cạnh tranh của nước ngoài, không tạo thuận lợi cho môi trường cạnh tranh trong nước. Tạo tâm lý ỷ lại, không đầu tư đổi mới công nghệ từ phía các doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp nhà nước.
- Cơ chế đăng kí nhãn hiệu hàng hóa và cấp bằng sáng chế còn chưa thích hợp. Đấu tranh ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái, vi phạm bản quyền còn chưa hiệu quả.
- Các đơn vị nghiên cứu, các phòng thí nghiệm khoa học, công nghệ hoạt động kém hiệu quả. Thiếu khung pháp lý để hình thành và đưa vào hoạt động thị trường khoa học – công nghệ.
Xuất phát từ nhận thức những bất cập trên, trong năm 2003 Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập tổ công tác và đưa vào chương trình triển khai đánh giá hiện trạng năng lực công nghệ của các ngành và các địa phương. Mục tiêu của chương trình là trên cơ sở hỗ trợ một số địa phương triển khai công tác đánh giá từ đó tổng kết thành bộ tiêu chuẩn và phương pháp, quy trình đánh giá làm cơ sở nhân rộng ra các địa phương, tỉnh thành trên toàn quốc. Đồng Nai với đặc điểm là địa phương đứng đầu trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài đã được Bộ KH&CN lựa chọn là địa phương đầu tiên triển khai quá trình đánh giá (2004). Trên cơ sở các kết quả tích cực của đề tài, Bộ đã triển khai tiếp đến các địa phương Hải Phòng (2005), Đà Nẵng(2006) và Quảng Ninh (2007). Các địa phương như Quảng Bình (2005), Gia Lai (2006), Bình Dương (2004), Bình Định (2007), Quảng Ngãi (2008), Sơn La (2010), Bắc Giang (2012) cũng đã triển khai bằng nguồn kinh phí của Địa Phương.
Từ năm 2012, Viện đánh giá khoa học và Định giá công nghệ - Bộ KH&CN đã phối hợp với nhóm nghiên cứu của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện phương pháp luận nghiên cứu. Các kết quả nghiên cứu được ứng dụng đánh giá trình độ công nghệ cho các doanh nghiệp của Đà Nẵng (2014), Lạng Sơn (2014), Yên Bái (2015), Quảng Nam (2015) theo đặt hàng của địa phương này.
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu về đánh giá trình độ công nghệ
Sự ra đời của khái niệm về công nghệ, đánh giá công nghệ và quá trình phát triển của các hoạt động đánh giá về công nghệ trong thực tiễn là những cố gắng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của quá trình xây dựng và hoàn thiện các chính sách và chiến lược phát triển công nghệ.
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, làn sóng khởi đầu cho việc đánh giá công nghệ được coi là hệ thống cảnh báo sớm, phục vụ cho việc hoạch định chính sách về công nghệ. Tuy nhiên, cùng với thời gian cũng như sự phát triển của KH&CN, người ta dần dần hiểu rằng việc dự báo về phát triển công nghệ là công việc vô cùng khó khăn nếu như không muốn nói là không thể làm được. Hơn nữa, người ta cũng nhận thức rằng, cho dù có được một công trình đánh giá về công nghệ hoàn mỹ đến đâu chăng nữa thì cũng không có gì đảm bảo là các nhà hoạch định chính sách sẽ thực sự sử dụng các thông tin này. Mãi đến những năm 1980, khái niệm mới về đánh giá công nghệ ra đời. Ở đó, người ta hướng sự chú ý từ dự báo công nghệ sang việc làm sao và khi nào những thông tin công nghệ sẽ được các nhà hoạch định chính sách và những tổ chức, đưa vào quá trình phát triển và sử dụng công nghệ. Việc đánh giá về công nghệ, một mặt giúp tăng cường mối quan hệ giữa nghiên cứu, triển khai về phát triển sản phẩm, mặt khác tăng cường phạm vi áp dụng công nghệ.
Xét về mặt lịch sử, đánh giá công nghệ được thể chế hoá ở những hình thức khác nhau. Đầu tiên là ở Mỹ, những tổ chức đánh giá công nghệ phục vụ cho Quốc hội. Văn phòng đánh giá công nghệ là cơ quan đảm nhận các hoạt động về đánh giá công nghệ được thành lập từ năm 1973. Sau đó các cơ quan tương tự cũng được thành lập ở một số nước châu Âu. Hình thức thể chế thứ hai là những chương trình quốc gia về công nghệ nhằm thúc đẩy những sáng kiến đánh giá công nghệ. Với thể chế thứ 3, công tác đánh giá công nghệ dần dần được thể chế tại các trường đại học thành những khoa, bộ môn có chức năng nghiên cứu giữa khoa học, công nghệ và xã hội. Ở hình thức thể chế thứ tư, đánh giá công nghệ được tiến hành ở quy mô các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ cho việc lập kế hoạch mang tính chiến lược, công việc mà người ta thường gọi dưới cái tên khác là “lập kế hoạch doanh nghiệp” hay đánh giá công nghệ ứng dụng.
Hiện nay, rất nhiều quốc gia trên thế giới coi công nghệ là một biến số làm tăng trưởng phát triển kinh tế xã hội. Vì thế, nhiều quốc gia đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống kê về KH&CN (KH&CN) làm căn cứ cho việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách và kế hoạch phát triển công nghệ. Trong số rất nhiều nước này, cần đặc biệt kể đến những cường quốc công nghiệp phát triển như Mỹ, Canada, Nhật, Pháp, Đức... Bài học từ các quốc gia phát triển chỉ ra rằng, đối với các nước đang phát triển, trong quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước, vấn đề mang tính trọng tâm là xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về trình độ, năng lực công nghệ. Chúng tôi sẽ giới thiệu một số quốc gia thuộc nhóm các nước đang phát triển, đặc biệt là trong khu vực Đông nam Á, đã và đang coi KH&CN là một tác nhân quan trọng phát triển kinh tế. Ở các nước này, nhiều công trình nghiên cứu về công nghệ đã và đang được thực thi:
Indonesia: - Dự án xây dựng hệ thống thông tin KH&CN quốc gia Indonesia dựa trên cơ sở phương pháp luận Atlas công nghệ (1989)[3].
- KH&CN cho phát triển ngành công nghiệp và chỉ số về KH&CN ở Indonesia (STAID 1993)[4].
Malaysia - Xây dựng hệ thống các chỉ số về KH&CN trong kế hoạch quốc gia lần thứ sáu của Malaysia(1995)[5].
Ấn độ - Xây dựng hệ thống các chỉ số về KH&CN trong kế hoạch quốc gia Ấn độ (1993)[6].
Thái Lan - Xây dựng hệ thống các chỉ số về KH&CN trong kế hoạch quốc gia lần thứ 7 của Thái lan (1995)[7].
Trung tâm chuyên giao công nghệ châu Á Thái Bình Dương (APCTT) - Phương pháp APCTT – ATLAS Công nghệ do Trung tâm chuyển giao công nghệ Châu Á – Thái Bình Dương (APCTT) thuộc Ủy ban Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (UN-ESCAP) đã nghiên cứu và ban hành bộ tài liệu “Nguyên lý phát triển dựa trên công nghệ” từ năm 1986 đến năm 1988, dưới sự tài trợ của chính phủ Nhật Bản.
Ngoài ra, cần phải kể đến một số những nghiên cứu về công nghệ của một vài quốc gia khác trong dự án Atlas công nghệ (1989)
[8]. Các nghiên cứu nêu trên được xem là nền tảng cho việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về năng lực công nghệ của các quốc gia châu Á này.
Đối với nước ta, việc thực hiện đánh giá trình độ công nghệ chỉ được chính phủ quan tâm từ những năm đầu của thời kỳ mở cửa. Ở các quy mô khác nhau, có thể liệt kê từ đó tới nay, một số nghiên cứu về công nghệ như sau
[9]:
- Năm 1991, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước (nay là Bộ KH&CN) công bố " Hệ thống chỉ tiêu đặc trưng trình độ công nghệ sản xuất công nghiệp" để làm cơ sở hướng dẫn các địa phương và các doanh nghiệp đánh giá trình độ công nghệ.
- Năm 1997, Dự án " Điều tra khảo sát trình độ công nghệ một số ngành sản xuất công nghiệp tỉnh Đồng Nai" của Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Đồng Nai.
- Năm 1999, Dự án “Đánh giá và thẩm định Công nghệ, bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
- Năm 2002, Dự án " Đánh giá hiện trạng công nghệ Quận 8" Của Ủy ban nhân dân Quận 8, Thành Phố Hồ Chí Minh.
- Năm 2002, Dự án " Đánh giá thực trạng trình độ công nghệ của các cơ sở sản xuất thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu và đề xuất phương án đổi mới trong giai đoạn 2005 - 2010".
- Năm 2003, Dự án " Điều tra, đánh giá thực trạng công nghệ một số ngành sản xuất chủ yếu trên địa bàn tỉnh Bình Dương" của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương.
- Năm 2003, Dự án “Điều tra đánh giá hiện trạng và xây dựng cơ sở dữ liệu về năng lực công nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” do Bộ KH&CN chủ trì thực hiện.
- Năm 2004, Dự án “Điều tra đánh giá hiện trạng và xây dựng cơ sở dữ liệu về năng lực công nghệ trên địa bàn thành phố Hải Phòng” do Bộ KH&CN chủ trì thực hiện.
- Năm 2004, Dự án: “ Xây dựng phương pháp đánh giá trình độ công nghệ sản xuất trên cơ sở phương pháp Atlas công nghệ”, Vụ Khoa học & Công nghệ, Bộ Công nghiệp.
- Năm 2005, đề tài “Điều tra, đánh giá trình độ công nghệ sản xuất và đề xuất giải pháp cải tiến, đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”, Sở KH&CN tỉnh Quảng Bình chủ trì thực hiện.
- Năm 2007, đề tài “Điều tra, đánh giá trình độ công nghệ sản xuất và đề xuất giải pháp cải tiến, đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định”, Sở KH&CN tỉnh Bình Định chủ trì thực hiện.
- Năm 2008, đề tài “Điều tra, đánh giá trình độ công nghệ sản xuất và đề xuất giải pháp cải tiến, đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi”, Sở KH&CN tỉnh Quảng Ngãi chủ trì thực hiện.
- Năm 2010, đề tài “Điều tra, đánh giá trình độ công nghệ sản xuất và đề xuất giải pháp cải tiến, đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La”, Sở KH&CN tỉnh Sơn La chủ trì thực hiện.
- Năm 2012, đề tài “Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá trình độ công nghệ của một số ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”, Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang chủ trì thực hiện.
- Năm 2014, đề tài “Đánh giá hiện trạng trình độ công nghệ doanh nghiệp sản xuất một số nhóm ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ - Bộ KH&CN chủ trì thực hiện.
- Năm 2014, đề tài “Đánh giá hiện trạng trình độ công nghệ doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ - Bộ KH&CN chủ trì thực hiện.
- Năm 2015, đề tài “Đánh giá hiện trạng trình độ công nghệ doanh nghiệp sản xuất một số nhóm ngành kinh tế chủ lực và thực trạng quản lý công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đề xuất lộ trình đổi mới công nghệ giai đoạn 2016- 2025, tầm nhìn 2030” Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ - Bộ KH&CN chủ trì thực hiện.
- Năm 2016, đề tài “Đánh giá hiện trạng trình độ công nghệ doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”, Sở KH&CN Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ - Bộ KH&CN chủ trì thực hiện.
Có thể nói các dự án nghiên cứu về công nghệ trong và ngoài nước đã trải qua chặng đường khá phức tạp, với nhiều cơ sở phương pháp luận khác nhau được sử dụng. Chúng tôi xin được trình bày một cách ngắn gọn các phương pháp luận đã được sử dụng trên thế giới cũng như ở Việt nam cho các dự án, đề tài nghiên cứu về công nghệ.
Hiện nay, đã có khá nhiều phương pháp khác nhau được sử dụng để đánh giá trình độ công nghệ với các quy mô khác nhau. Mỗi phương pháp đều có những ưu, nhược điểm riêng về nội dung cũng như việc triển khai ứng dụng. Xin được nhắc lại rằng, các nghiên cứu về công nghệ bắt đầu được các quốc gia, các viện nghiên cứu, các trường đại học trên thế giới quan tâm từ những năm 1950. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu đánh giá hiện trạng công nghệ của quốc gia, vùng, xây dựng hệ thống các tiêu chí về KH&CN. Tuy nhiên để có được hệ thống chỉ tiêu này thì đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn của các nhà khoa học trong việc xây dựng một phương pháp luận hoàn chỉnh, để áp dụng cho việc thu thập dữ liệu, ứng dụng dữ liệu làm chỉ dẫn KH&CN.
Nhìn chung, bằng nhiều cách khác nhau, các công trình nghiên cứu về công nghệ và năng lực công nghệ thường cố gắng tìm cách chi tiết hoá mỗi một yếu tố cơ bản trong chuỗi phát triển năng lực “mua - sử dụng – thích nghi – hoàn thiện” ra thành từng vấn đề cụ thể. Qua nhiều chặng đường khá phức tạp, các nghiên cứu trong lĩnh vực này được thực hiện trên cơ sở của 7 phương pháp luận mà một số các tổ chức, viện nghiên cứu đã đưa ra, trợ giúp cho các nước làm cẩm nang để nghiên cứu, hoạch định các chính sách và chiến lược phát triển công nghệ.:
- Phương pháp tiếp cận công nghệ về mặt kinh tế
- Phương pháp tiếp cận theo quan điểm đầu vào và đầu ra của quá trình,
- Chiết trung (Phương pháp dùng nhiều chỉ số kết hợp với đo lường công nghệ phân lập)
- Phương pháp đo lường công nghệ học (phân lập theo từng thành tố công nghệ)
- Phương pháp luận Atlas công nghệ,
- Phương pháp tiếp cận theo quan điểm quản trị chiến lược.(Sharif 1995)
- Phương pháp thu thập và diễn giải dữ liệu về đổi mới sáng tạo của OECD (Cẩm nang OSLO)
Phương pháp luận Atlas công nghệ là kết quả của Dự án Atlas công nghệ -
Technology Atlas Project được khởi xướng trên cơ sở của tiên đề cho rằng công nghệ là biến số chiến lược quyết định sự phát triển, tăng tốc kinh tế-xã hội trong bối cảnh toàn cầu hoá nền kinh tế, môi trường cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng. Đây là dự án công nghệ do trung tâm chuyển giao công nghệ Châu Á Thái Bình Dương (APCTT), thuộc Uỷ ban Kinh tế - Xã hội Châu Á Thái Bình Dương (UN-ESCAP) đã nghiên cứu và ban hành bộ tài liệu “Nguyên lý phát triển dựa trên cơ sở công nghệ” dùng để áp dụng cho các quốc gia trong khu vực.v.v từ năm 1986 đến năm 1988, dưới sự tài trợ của chính phủ Nhật Bản
[10]. Tài liệu này hướng dẫn các nội dung và phương pháp đánh giá hiện trạng công nghệ của một quốc gia.
Mục tiêu chính yếu của “
Technology Atlas Project” là đưa ra một công cụ hỗ trợ quyết định ở dạng một bộ tài liệu phương pháp luận để hợp nhất các công việc xem xét vấn đề công nghệ trong quá trình lập kế hoạch phát triển. Dự án trình bày các biện pháp trong những lĩnh vực quan trọng mà tới nay vẫn chưa được chú ý thích đáng và cung cấp phương tiện nhằm giới thiệu một cách rộng rãi các cách tiếp cận phân tích để đề ra và hoàn thiện các chính sách và kế hoạch phát triển công nghệ ở mỗi đơn vị kinh tế, ngành, mỗi quốc gia.
Với tựa đề chung là “Nguyên lý phát triển dựa trên công nghệ”, nội dung của phương pháp luận Atlas công nghệ bao gồm việc phân tích đánh giá chỉ số công nghệ mà cán bộ dự án đã xây dụng (Atlas S&T indicators: hàm lượng công nghệ, môi trường công nghệ, trình độ công nghệ, năng lực công nghệ và nhu cầu công nghệ) được xem xét ở ba quy mô khác nhau.
Các các chỉ số công nghệ được xem xét là: các thành phần công nghệ (thành phần kỹ thuật, thành phần thông tin, thành phần con người, thành phần tổ chức), kết quả đóng góp trực tiếp của bốn thành phần này xác định hàm lượng công nghệ gia tăng, đây là cơ sở để đánh giá hàm lượng công nghệ; năng lực công nghệ; và chiến lược công nghệ. - Ở cấp độ của một ngành công nghiệp:
Thông thường ở quy mô của một ngành công nghiệp, các đặc trưng công nghệ được đánh giá là các nguồn lực công nghệ và cơ sở hạ tầng công nghệ. - Ở quy mô một quốc gia[11]
Với quy mô là một quốc gia, những chỉ số công nghệ được xem xét là môi trường công nghệ và nhu cầu công nghệ
Để việc hợp nhất các xem xét công nghệ với quá trình kế hoạch hoá phát triển kinh tế xã hội có ý nghĩa, thì điều kiện cơ bản là các nhà nghiên cứu về kinh tế và công nghệ phải hỗ trợ lẫn nhau khi tiến hành các phân tích. Nếu sử dụng hình thực biểu hiện của công nghệ theo cách phân chia theo phương pháp Atlas làm cơ sở để điều tra, thì có thể đạt được sự bổ sung cho nhau giữa kế hoạch hoá kinh tế thông thường và kế hoạch hoá dựa trên công nghệ ở cấp công ty, phân ngành, ngành, tỉnh, quốc gia... tuỳ theo mức độ dự án thực hiện.
Với những ưu điểm lớn trong việc đánh giá, quản lý và hoạch định chiến lược công nghệ, phương pháp luận Atlas công nghệ đã được sử dụng làm cơ sở cho khá nhiều dự án về công nghệ đặc biệt là các dự án ở các nước đang phát triển.
Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về công nghệ, theo luật KH&CN của năm 2013 thì: “Công nghệ là các phương pháp, quy trình, kỹ năng, bí quyết, công cụ, phương tiện dùng để biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm”.
Qua định nghĩa trên chúng ta thấy bất cứ một công nghệ nào dù đơn giản cũng phải gồm có 4 thành phần: Thành phần hàm chứa trong phương tiện kỹ thuật; Thành phần hàm chứa trong kỹ năng của con người; Thành phần hàm chứa trong khung thể chế; và Thành phần hàm chứa trong các tư liệu. Các thành phần này tác động qua lại lẫn nhau để thực hiện các quá trình biến đổi tạo ra các sản phẩm mong muốn.
Quá trình đánh giá được tiến hành thông qua việc điều tra khảo sát nhằm thu thập các thông tin cho phép lượng hóa các thành phần Kỹ thuật (Technoware – T), thành phần Con người (Humanware – H), thành phần Thông tin (Inforware – I) và thành phần Tổ chức (Orgaware – O) của từng doanh nghiệp.
Hình 1. Mối quan hệ của 4 thành phần công nghệ
Phần Kỹ thuật có thể coi như hình thức biểu hiện về mặt vật thể của công nghệ. Nó bao gồm tất cả các phương tiện vật chất cần thiết cho hoạt động chuyển đổi, ví dụ như các dụng cụ, thiết bị, máy móc, các kết cấu và các xưởng máy…
Phần Con người là hình thức biểu hiện về mặt con người của công nghệ. Nó bao gồm các năng lực cần thiết mà con người đã tích luỹ được cho các hoạt động chuyển đổi.
Phần Thông tin là hình thức biểu hiện về mặt tư liệu của công nghệ. Nó bao gồm toàn bộ các dữ kiện và các số liệu cần cho các hoạt động chuyển đổi, ví dụ: các bản thiết kế, các bản tính toán, các đặc tính, các quan sát, các phương trình, các biểu đồ, các lý thuyết….
Phần Tổ chức là hình thức biểu hiện về mặt thể chế của công nghệ. Nó bao gồm các cơ cấu tổ chức cần thiết cho hoạt động chuyển đổi, ví dụ: sự phân chia nhóm, phân trách nhiệm, hệ thống các tổ chức, các mạng lưới quản lý….
Song song với quá trình điều tra thu thập thông tin từ các doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu tiến hành thu thập kiến của các chuyên gia nhằm xây dựng hệ thống các thang điểm đánh giá lượng hóa mức độ quan trọng, sự đóng góp của từng yếu tố trong việc xác lập nên các thành phần T,H,I,O cho từng ngành, từng lĩnh vực nghiên cứu (xác lập các hệ số bt, bh, bi, bo).
Trên cơ sở các thông tin thu thập được từ các doanh nghiệp, các thang điểm, hệ số đánh giá được xác lập thông qua kiến đánh giá của các chuyên gia, chúng ta có thể tiến hành tính toán xác định các hệ số đóng góp công nghệ (Hàm lượng công nghệ) của từng doanh nghiệp và sau đó tổng hợp cho từng ngành và xác định chỉ số trung bình chung cho toàn bộ các doanh nghiệp được khảo sát.
Hình 2. Chỉ số TCC: Cấu trúc tính toán
Hệ số đóng góp của công nghệ (TCC) cho qúa trình chuyển đổi có thể được tính theo công thức sau:
TCC = T
bt. H
bh. I
bi. O
bo Trong đó T,H,I,O là mức độ đóng góp riêng tương ứng của từng thành phần công nghệ. b
t, b
h, b
i, b
o là cường độ đóng góp của các thành phần công nghệ tương ứng. Để tính được TCC người ta tiến hành theo các bước sau:
Bước 1: Đánh giá cấp bậc tinh xảo của 4 thành phần công nghệ
Thông qua thu thập thông tin từ doanh nghiệp và thủ tục cho điểm bởi các chuyên gia tiến hành xác định mức độ tinh xảo của các thành phần công nghệ
Mức độ tinh xảo xếp từ thấp đến cao của 4 thành phần công nghệ có thể được mô tả ở bảng sau:
Thành phần Kỹ thuật (T) | Thành phần Con người (H) | Thành phần Thông tin (I) | Thành phần Tổ chức (O) |
Thủ công | Vận hành | Báo hiệu | Đứng được |
Động lực | Lắp ráp | Mô tả | Đững vững |
Vạn năng | Sửa chữa | Lắp đặt | Bảo toàn |
Chuyên dùng | Thích nghi | Sửa chữa | Ổn định |
Tự động | Sao chép | Thiết kế | Mở mang |
Có máy tính | Cải tiến | Mở rộng | Nhìn xa |
Tích hợp | Đổi mới | Đánh giá | Dẫn đầu |
Bước 2: Đánh giá trình độ hiện đại
Khi chúng ta có được giới hạn cấp bậc tinh xảo trên, dưới của 4 thành phần công nghệ thì vị trí của mỗi thành phần công nghệ trong khoảng giới hạn này phụ thuộc vào trình độ hiện đại của nó. Trình độ hiện đại của các thành phần công nghệ được đánh giá thông qua các tiêu chí như: xuất xứ công nghệ, năm sản xuất, lắp đặt, suất tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu, trình độ học vấn, kinh nghiệm công tác, hạ tầng thông tin, mục đích sử dụng máy tính, ... Bằng phương pháp thu thập kiến của chuyên gia chúng ta có thể xác định các tiêu chí, hệ thống các thang điểm cho phép lượng hóa mức độ ảnh hưởng của từng tiêu chí đến từng thành phần công nghệ cũng như lượng hóa mức độ ảnh hưởng của từng thành phần T,H,I,O đến hệ số đóng góp công nghệ của từng nhóm ngành.
Bước 3: Xác định những đóng góp của thành phần công nghệ trên cơ sở các giới hạn của cấp bậc tinh xảo và điểm số trình độ hiện đại đã được xác định. Đây là bước tính toán điểm số, tổng hợp, xác định hệ số từ tập nhiều tiêu chí khác nhau. Đối chiếu các thông tin thu thập được từ doanh nghiệp với hệ thống thang điểm đánh giá được xây dựng cho nhóm ngành tương ứng, chúng ta có thể tính toán lượng hóa các thành phần công nghệ của doanh nghiệp nghiên cứu.
Bước 4: Đánh giá cường độ đóng góp của các thành phần công nghệ: ở đây đề xuất phương pháp đánh giá bằng cách sử dụng cách tiếp cận ma trận so sánh từng đôi một
[12]. Việc xác định các hệ số b sẽ được thực hiện cho từng ngành với sự trợ giúp của phần mềm Expert Choice cũng như sự tham gia đóng góp của các chuyên gia đầu ngành.
Bước 5: Tính toán hệ số TCC
Sử dụng các giá trị T,H,I,O và các cường độ đóng góp của các thành phần công nghệ (bT,H,I,O) có thể tính được TCC bằng phương trình 1 ở trên. TCC của công ty cho biết sự đóng góp của công nghệ của toàn bộ hoạt động chuyển đổi vào đầu ra của công ty.
Cụ thể phương pháp tính toán lượng hóa các thành phần công nghệ và hệ số đóng góp công nghệ TCC của các doanh nghiệp và các nhóm ngành được trình bày trong phụ lục …
Việc phân tích hàm lượng công nghệ có thể cho ta biết được điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp liên quan đến công nghệ và các động lực chuyển đổi ở cấp công ty. Nó cho phép xác định các ưu tiên trong phân bổ nguồn lực nhằm nâng cấp các thành phần công nghệ. Nó không ảnh hưởng bởi sự không hoàn chỉnh của thị trường công nghệ và có thể bổ sung cho việc phân tích tài chính thông thường. Hơn nữa, việc phân tích hàm lượng công nghệ có thể làm tăng khả năng sàng lọc kho công nghệ quốc gia và nâng cao năng lực quốc gia về mặt đánh giá công nghệ khi hợp tác với nước ngoài.
4.2. Thông tư Hướng dẫn đánh giá trình độ công nghệ sản xuất:
Công tác đánh giá trình độ công nghệ được đặc biệt quan tâm, nhất là trong những năm gần đây. Bộ KH&CN đã chỉ đạo một số đơn vị quản lý và đơn vị nghiên cứu tham mưu xây dựng thông tư hướng dẫn đánh giá trình độ công nghệ sản xuất trong đó có Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ là một trong các đơn vị tham gia. Sau một thời gian chuẩn bị tích cực, Bộ KH&CN đã ban hành thông tư số 04/2014/TT-BKHCN ngày 8/4/2014 (thông tư 04) về hướng dẫn đánh giá trình độ công nghệ sản xuất và có hiệu lực thi hành từ 1/6/2014. Sự ra đời của thông tư 04 nhằm để thống nhất hệ thống tiêu chí đánh giá trình độ công nghệ sản xuất trong cả nước. Về cơ bản, phương pháp và hệ thống tiêu chí đánh giá dựa trên phương pháp Atlats công nghệ. Việc ra đời của thông tư 04 giúp cho việc so sánh các kết quả đánh giá giữa các doanh nghiệp cùng ngành hay giữa các ngành của các địa phương khác nhau mới có ý nghĩa và tạo điều kiện cho việc áp dụng thống nhất trong toàn quốc.
Kết quả đánh giá trình độ công nghệ sản xuất là cơ sở để các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức đề xuất giải pháp, chính sách nhằm đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất của doanh nghiệp, ngành hoặc địa phương.
Để phù hợp với quy định tại thông tư 04, nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Trần Văn Bình, TS. Trần Hậu Ngọc tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung phương pháp triển khai, xây dựng công cụ phần mềm đánh giá trình độ công nghệ giúp cho hoạt động đánh giá trình độ công nghệ được công nghệ thông tin hóa, có thể định kỳ cập nhật thông tin công nghệ của doanh nghiệp, tiện lợi cho công tác quản lý nhà nước về công nghệ của địa phương.
4.2.1. Nguyên tắc đánh giá trình độ công nghệ sản xuất theo Thông tư 04:
Nguyên tắc đánh giá trình độ công nghệ sản xuất được đề cập trong thông tư 04 gồm:
1. Công nghệ sản xuất được chia thành bốn nhóm thành phần cơ bản: Nhóm thiết bị công nghệ thể hiện trong máy móc, công cụ, phương tiện viết tắt là T (Technoware); nhóm nhân lực thể hiện trong năng lực tiếp thu kỹ thuật công nghệ phục vụ sản xuất viết tắt là H (Humanware); nhóm thông tin thể hiện trong các tài liệu, dữ liệu thông tin viết tắt là I (Infoware); nhóm tổ chức, quản lý thể hiện trong công tác tổ chức, quản lý viết tắt là O (Orgaware).
Việc đánh giá trình độ công nghệ sản xuất của doanh nghiệp hay ngành được thực hiện trên cơ sở mức đạt được của các tiêu chí thuộc bốn nhóm thành phần cơ bản T, H, I, O.
2. Đánh giá trình độ công nghệ sản xuất về mặt định lượng, sử dụng thang điểm chung (100 điểm) để đưa về cùng một mặt bằng đánh giá. Căn cứ vào tổng số điểm đạt được của các tiêu chí để phân loại trình độ công nghệ.
Điểm của các tiêu chí được xác định theo số liệu điều tra, thu thập tại doanh nghiệp. Bộ mẫu phiếu điều tra quy định tại Phụ lục của Thông tư này.
3. Hệ số đóng góp công nghệ được tính toán dựa trên số điểm đạt được của các nhóm T, H, I, O và thể hiện bằng biểu đồ hình thoi là các căn cứ để đưa ra nhận xét và kết luận trong Báo cáo kết quả đánh giá trình độ công nghệ sản xuất.
4. Điểm của một số tiêu chí phụ thuộc nhiều vào tính chất, đặc điểm công nghệ của từng ngành và thay đổi thường xuyên theo sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, để xác định điểm của các tiêu chí này cần dựa trên chuẩn so sánh của mỗi ngành, tại thời điểm đánh giá.
Một số tiêu chí thống nhất áp dụng chuẩn so sánh theo ngành quy định tại Phụ lục của Thông tư. Trên cơ sở đề xuất của các Bộ, ngành có liên quan, Bộ KH&CN xem xét, điều chỉnh chuẩn so sánh cho phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
4.2.2. Phân loại trình động công nghệ theo thông tư 04:
Phân loại trình độ công nghệ theo tổng số điểm đạt được và hệ số đóng góp công nghệ của doanh nghiệp:
1. Trình độ công nghệ lạc hậu: hệ số đóng góp công nghệ nhỏ hơn 0,3 hoặc tổng số điểm các thành phần công nghệ nhỏ hơn 35 điểm;
2. Trình độ công nghệ trung bình: hệ số đóng góp công nghệ từ 0,3 trở lên và tổng số điểm các thành phần công nghệ từ 35 điểm đến dưới 60 điểm;
3. Trình độ công nghệ trung bình tiên tiến: hệ số đóng góp công nghệ từ 0,5 trở lên và tổng số điểm các thành phần công nghệ từ 60 điểm đến dưới 75 điểm;
4. Trình độ công nghệ tiên tiến: hệ số đóng góp công nghệ từ 0,65 trở lên và tổng số điểm các thành phần công nghệ bằng hoặc trên 75 điểm.
Công tác điều tra thu thập số liệu sẽ được tiến hành theo các bước sau đây:
- Hoàn thiện đầy đủ bộ phiếu điều tra,
- Viện Đánh giá Khoa học và Đinh giá công nghệ (Vistec) kết hợp với Đại học Bách khoa soạn thảo tài liệu để tập huấn cho cán bộ điều tra về phương pháp và cách thức, quy trình điều tra,
- Tiến hành điều tra thử,
- Tiến hành tổng điều tra cho các doanh nghiệp thuộc diện khảo sát
- Xử lý dữ liệu số liệu.
a) Hoàn thiện đầy đủ bộ phiếu điều tra
Bộ phiếu điều tra được xây dựng theo các tiêu chí, yêu cầu về nội dung đã nêu ở trên. Trên thực tế, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Đánh giá Khoa học và Định giá công nghệ (VISTEC) và ĐHBK Hà Nội đã nhiều lần rút kinh nghiệm và cải tiến mẫu phiếu điều tra. Hiện tại sau khi kết hợp tài liệu hướng dẫn đánh giá trình độ công nghệ theo Thông tư 04/TT-BKHCN của Bộ KH&CN mẫu phiếu đã đảm bảo các yêu cầu: hoàn chỉnh về nội dung, đẹp về hình thức và thuận tiện nhất cho người trả lời.
b) Soạn thảo tài liệu và tập huấn cho cán bộ điều tra
Công việc điều tra thu thập số liệu thường rất khó khăn vì thông thường những số liệu được cung cấp thường liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Ngay cả khi có các biện pháp chế tài, công việc thu thập số liệu không phải lúc nào cũng dễ dàng. Vì thế, cần thiết phải trang bị cho cán bộ điều tra những kiến thức, kỹ năng cơ bản của công tác điều tra.
Trước khi tiến hành điều tra, tiến hành hội thảo chuyên đề để xây dựng tài liệu tập huấn về quy trình điều tra bộ tài liệu được hoàn chỉnh sau những lần tập huấn và điều tra thử. Trước khi tiến hành tổng điều tra bộ tài liệu về cơ bản đã được hoàn thiện. Tài liệu tập huấn đảm bảo hai yêu cầu: những kỹ năng cơ bản của công tác điều tra thu thập số liệu: về cách tiếp cận, ứng xử, kỹ năng thương lượng, và những đặc tính văn hoá, xã hội, kinh tế của vùng, ngành, điều tra.
Công việc tập huấn sẽ được thực hiện cho các cán bộ Sở KH&CN và các sở ban ngành liên quan cùng các cán bộ Viện Đánh giá Khoa học và Định giá công nghệ (VISTEC) trực tiếp tham gia công tác điều tra tại địa phương.
c) Tiến hành điều tra thử
Điều tra thử được tiến hành sau khi phương pháp luận đã được hội thảo thống nhất về nội dung việc phân ngành, chọn mẫu doanh nghiệp đã được hoàn thành. Điều tra thử nghiệm không đặt nặng về kết quả mà chủ yếu là để đánh giá hoàn thiện quy trình điều tra phục vụ cho công tác tổng điều tra. Vì thế việc điều tra thử được tiến hành như sau:
Tiến hành tập huấn cho các cán bộ điều tra của Viện Đánh giá và các cán bộ sở ban ngành địa phương cần tiến hành đánh giá trình độ công nghệ trực tiếp tham gia vào điều tra.
Tiến hành chọn mẫu điều tra (10% tổng số doanh nghiệp), với mức độ khó dễ khác nhau (theo đánh giá của các sở ban ngành), công ty nước ngoài, liên doanh hay trong nước. Mẫu doanh nghiệp điều tra phải đảm bảo đầy đủ các thành phần doanh nghiệp trong các phân ngành đã thống nhất từ ban đầu.
Tiến hành điều tra thử theo quy trình sau:
- Gửi phiếu điều tra tới các doanh nghiệp và hẹn ngày gặp trao đổi trực tiếp (công việc được Sở KH&CN đảm nhận)
- Nhận lại mẫu phiếu đã trả lời (doanh nghiệp trả lời), kiểm tra các câu trả lời, tìm những thiếu sót trong bảng câu hỏi đã trả lời.
- Cán bộ điều tra đến gặp doanh nghiệp trực tiếp (nhóm điều tra gồm hai cán bộ và một điều tra viên), cán bộ có nhiệm vụ gặp gỡ đại diện doanh nghiệp để giới thiệu và trình bày những nội dung cơ bản của điều tra, sau đó cán bộ điều tra sẽ gặp trực tiếp các cán bộ chức năng của doanh nghiệp để hoàn thiện các câu hỏi chưa trả lời hoặc trả lời chưa hoàn thiện.
- Điều tra viên kiểm tra kỹ càng các số liệu thu thập bàn giao cho cán bộ phụ trách để nghiệm thu kết quả. Ghi lại những lưu ý cần thiết để rút kinh nghiệm và hoàn thiện phương pháp điều tra cho đợt tổng điều tra.
Tổng kết quá trình điều tra thử, ghi lại những kinh nghiệm cho công tác điều tra, những phát hiện, những bổ sung cần thiết cho bộ mẫu phiếu.
d) Tiến hành tổng điều tra cho doanh nghiệp.
Cán bộ chuyên môn của Viện Đánh giá hoàn thiện lại bộ phiếu điều tra thông qua những phản hồi từ phía doanh nghiệp. Hoàn thiện phương pháp điều tra. Tổ chức điều tra. Đợt tổng điều tra được tiến hành theo các quy trình sau:
Tập huấn cho toàn bộ cán bộ điều tra
Cán bộ điều tra của Viện Đánh giá kết hợp với Sở KH&CN thống nhất việc tổ chức điều tra: gửi phiếu, thu phiếu, liên hệ doanh nghiệp, phương tiện đi lại.
Tiến hành tổng điều tra: Một nhóm gồm một cán bộ điều tra và một điều tra viên, cán bộ giữ vai trò liên lạc, tổ chức gặp gỡ, và nghiệm thu lần 1 phiếu điều tra sau khi công tác điều tra tại doanh nghiệp đó đã hoàn thiện. Điều tra viên trực tiếp gặp gỡ các cán bộ chức năng của doanh nghiệp, thu thập, hoàn thiện phiếu điều tra.
Cán bộ quản lý của Viện Đánh giá phụ trách chung công tác điều tra của toàn đoàn và giữ vai trò là người nghiệm thu các kết quả điều tra, đánh giá và xếp loại các phiếu điều tra.
e) Xử lý dữ liệu điều tra
Cán bộ quản lý của Viện Đánh giá chủ trì nghiệm thu kết quả phiếu điều, xử lý về sơ bộ các thông số mà doanh nghiệp cung cấp chưa chuẩn. Chuẩn hoá các số liệu thu thập và bàn giao kết quả cho cán bộ phụ trách về xử lý tinh các số liệu và nhập vào máy tính để có thể chuyển từ kết quả điều tra thành các kết quả đo lường T, H, I, O và các chỉ số khác.
5. Kết luận và kiến nghị
Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ là tổ chức KH&CN công lập trực thuộc Bộ KH&CN, giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng đánh giá khoa học và đánh giá, định giá công nghệ; nghiên cứu khoa học, đào tạo, cung cấp dịch vụ đào tạo, tư vấn về đánh giá khoa học, định giá công nghệ phục vụ quản lý nhà nước về KH&CN. Trong thời gian qua, Viện đã và đang phối hợp với nhiều địa phương trong cả nước tiến hành đánh giá trình độ công nghệ doanh nghiệp sản xuất theo Thông tư 04/2014/TT-BKHCN như Lạng Sơn, Yên Bái, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tầu... Hoạt động đánh giá trình độ công nghệ không những phục vụ cho nhiều địa phương, ngành, hay thậm chí từng doanh nghiệp đã và đang tự triển khai đánh giá và đã xác định được thực trạng, điểm mạnh, điểm yếu của các thành phần công nghệ (T-H-I-O) của doanh nghiệp hoặc của ngành.
Qua quá trình đánh giá tại một số địa phương cho thấy phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang sử dụng công nghệ khá lạc hậu từ 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới. Tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp rất chậm, tỷ lệ đầu tư cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp rất ít so với tổng doanh thu. Nhiều doanh nghiệp còn có tâm lý e ngại việc áp dụng các phương thức đổi mới công nghệ, vì cho rằng điều này đòi hỏi đầu tư vật chất lớn, việc tiếp cận và áp dụng các công cụ quản lý mới, phát triển và đổi mới công nghệ vẫn diễn ra tương đối chậm chạp.
Với mục tiêu là đặt doanh nghiệp là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ quá trình đánh giá trình độ công nghệ, tuy nhiên trong thực tế các doanh nghiệp đã không quan tâm đúng mức tới việc đánh giá trình độ công nghệ. Vì một số lý do được liệt kê dưới đây:
- Doanh nghiệp không nhận thức hết ý nghĩa của việc đánh giá mà coi đó như một loại công việc phát sinh nên không nhiệt tình công tác. Thậm chí lảng tránh và gây khó khăn cho quá trình tác nghiệp, lấy thông tin và đánh giá.
- Một số thông tin phục vụ quá trình đánh giá nằm trong phạm vi bí mật kinh doanh, được pháp luật bảo hộ nên doanh nghiệp không muốn cung cấp cho người ngoài, hoặc là cung cấp thông tin không chính xác dẫn đến sai lệch kết quả khi tiến hành phân tích, đánh giá trình độ công nghệ.
- Doanh nghiệp bị động trong quá trình đánh giá nên một số điểm về phương pháp tính toán và nội dung phiếu điều tra không được thảo luận, phản hồi.
- Kết thúc quá trình đánh giá, cơ quan quản lý chưa đưa ra được các chính sách, tư vấn hỗ trợ cho doanh nghiệp như mong đợi.
- Không có các cơ chế chính sách cập nhật, bổ sung sau từng kỳ thống kê đánh giá, nên kết quả không được duy trì bền vững, thường rơi vào quên lãng sau vài năm.
Việc thay đổi tư duy, nhận thức rõ cơ hội và thách thức là điều mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải có sau sự kiện ký hiệp định TPP, nhận thức ở đây không chỉ dừng việc chúng ta cần thay đổi , nâng cao trình độ công nghệ, áp dụng đổi mới sáng tạo, đưa công nghệ mới tiên tiến vào sản xuất…
Trình độ công nghệ phụ thuộc nhiều vào hoạt động quản trị công nghệ và quản trị nguồn nhân lực, việc đổi mới công nghệ là điều kiện để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Việc thay đổi một dây chuyền sản xuất bằng việc mua máy mới thay máy cũ cũng cần phải tính đến việc làm chủ công nghệ, quản lý hệ thống sản phẩm theo quy trình ISO, vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ… Đẩy mạnh đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Lựa chọn công nghệ phù hợp với sự tham gia của các nhà quản lý có kinh nghiệm và các chuyên gia giỏi về công nghệ, dữ liệu công nghệ... đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ để hoạt động này đi vào thực chất và có giá trị cao về mặt khoa học và pháp lý làm chỗ dựa cho doanh nghiệp đưa ra các quyết định đúng đắn cả về vi mô và vĩ mô.
Ý nghĩa của công tác đánh giá trình độ công nghệ sản xuất tại các địa phương:
Đối với Lãnh đạo Địa phương
- Tầm nhìn tổng quát về hiện trạng công nghệ của địa phương để từ đó đề xuất định hướng đầu tư, phát triển công nghệ giai đoạn 2015 – 2020
- Làm căn cứ cho việc hoạch định chiến lược phát triển khoa học công nghệ cũng như chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
- Có công cụ (TCC) để khuyến khích công nghệ cao khi xét duyệt dự án đầu tư, cấp đất
Ý nghĩa đối với cơ quan quản lý nhà nước về công nghệ tại địa phương
- Thiết lập được cơ sở dữ liệu và trang Web (dạng Atlas) phục vụ công tác tiếp tục triển khai đánh giá trên diện rộng, quản lý hiện trạng trình độ CN các DN;
- Có báo cáo tổng hợp về thực trạng công nghệ của doanh nghiệp tại điạ phương. Có thể đánh giá sơ bộ lĩnh vực công nghệ phù hợp và nên ưu tiên với hiện trạng công nghệ địa phương? Tính cấp thiết cần phải có những công nghệ đó? Cơ chế chính sách gì để cải thiện danh mục đầu tư đổi mới công nghệ trong các ngành đó? Nên đầu tư phát triển đổi mới một ngành công nghệ hoặc một công nghệ cụ thể?
- Phát triển hơn nữa trong việc làm cầu nối giữa các nhà khoa học và nhà sản xuất, hình thành và phát triển chợ công nghệ trên mạng.
- Có công cụ (TCC) cho việc hoạch định chỉ tiêu phát triển công nghệ phục vụ chiến lược phát triển KTXH
- Tạo cơ sở cho xây dựng chương trình hỗ̃ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ
Ý nghĩa đối với doanh nghiệp sản xuất
- Có điều kiện so sánh trình độ công nghệ của mình với các doanh nghiệp khác
- Được quảng bá trên trang Web (Sở KH-CN)
- Được sử dụng trang web như một đầu mối chuyển giao công nghệ
- Được quyền cập nhật thông tin vào trang Web về những thông tin thay đổi của doanh nghiệp
- Giúp doanh nghiệp lường trước và đáp ứng nhanh hơn các biến động của môi trường kinh doanh và vượt qua các đối tượng cạnh tranh bởi việc nhìn trước công nghệ.
- Sắp xếp hợp lý các nguồn lực, qua đó thu được hiệu quả đầu tư lớn hơn để đạt được các mục tiêu của doanh nghiệp.
- Thúc đẩy các nguồn đầu tư, tài chính và các nguồn lực khác thông qua việc hợp tác triển khai các hoạt động R&D, tiếp cận các Quỹ về đổi mới và phát triển công nghệ.
- Chú trọng đến nghiên cứu nhu cầu khách hàng để cho phép đổi mới một cách triệt để, xây dựng lợi thế cạnh tranh mới cũng như sự phát triển của các thế hệ sản phẩm và dịch vụ mới.
- Giảm thiểu rủi ro trong đầu tư công nghệ thông qua sự hiểu biết nhu cầu công nghệ.
Kết quả đánh giá trình độ công nghệ doanh nghiệp cần gắn kết với việc quản lý, tư vấn, hỗ trợ đầu tư, chẳng hạn là một trong những điều kiện để nhận hỗ trợ từ các Quỹ đổi mới công nghệ, Quỹ phát triển KH&CN, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của các Bộ, ngành ...
Cần quy định rõ yêu cầu, nhiệm vụ và quyền lợi của các chủ thể tham gia đánh giá trình độ công nghệ. Đối với doanh nghiệp là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ quá trình đánh giá. Chính vì vậy, họ phải giữ vai trò chủ động trong đánh giá.
Cần đầu tư đào tạo chuyên sâu để nâng cao năng lực đánh giá cho các cán bộ tiến hành tư vấn, đánh giá. Cần có quy định việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan tiến hành đánh giá. Cần xây dựng hệ thống tri thức chuyên gia phục vụ đánh giá trình độ công nghệ thống nhất trên quy mô cả nước.
Cần kịp thời bổ sung chuẩn so sánh theo ngành cho các năm tiếp theo hoặc cần có quy định mở theo hướng so sánh theo chuẩn khu vực hoặc quốc tế để thống nhất áp dụng chuẩn so sánh trong đánh giá trình độ công nghệ theo Thông tư 04/TT-BKHCN.
[1] Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
[2] Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ
[3] Tham khảo; Papitek and Lipi (1989): “
UNDP-UNESCO project Science and Technology Management Information (STMIS)”, Published by Center for Analysis of Science & Technology Development and Indonesia Institute of Science, Indonesia.
[4] Tham khảo: STAID (1993): “
Science and Technology Indicators, Science & Technology for Industrial Development (STAID)”, Bandan Penkajian Dan Penrapan Technology (BPPT), Indonesia.
[5] Tham khảo:
Six Malaysia Plan 1991-1995, Printed by national printing department, Kuala Lumpur, Malaysia, 1995.
[6] Tham khảo: Aggarwal J.C. (1993): “
Eighth Five Year Planning and Development in India 1993”, Shipra Publications, New Delhi, India.
[7] Tham khảo: “
The Seventh National Economic and Social Development Plan”, National Economic and Social Development Board, Thailand.
[8] Tham khảo: UN-ESCAP (1989
): “Technology Atlas Project Tokyo Program on Technology for Development in Asia and Pacific”, Bangalore, India.
[9] Tất cả các dự án nghiên cứu về công nghệ ở Việt Nam mà chúng tôi đề cập ở đây được tham khảo từ nhiều kênh tài liệu khác nhau trong qúa trình thực hiện dự án.
[10] Tham khảo chi tiết: UN-ESCAP (1989): “
Technology Atlas Project Tokyo Program On Technology for Development in Asie and Pacific”, Bangalore, India.
[11] Trên thực tế việc nghiên cứu đánh giá môi trường công nghệ cũng có thể được xem xét ở quy mô địa phương vì ngay với quy mô nhỏ hơn mức quốc gia vẫn tồn tại những yếu tố môi trường có tính đặc thù mà nếu chỉ khai thác môi trường công nghệ ở cấp quốc gia thì rất khó được đề cập đến. Việc xem xét môi trường công nghệ ở quy mô nào phụ thuộc vào mục đích nghiên cứu của từng đề tài.
[12] Xin xem chi tiết trong tập II tài liệu của dự án Atlas công nghệ có tựa đề: Đánh giá hàm lượng công nghệ.